Gỗ tự nhiên là vật liệu truyền thống được rất nhiều khách hàng lựa chọn khi làm nhà, làm đồ nội thất bởi đặc tính bền chắc, độ sang trọng, tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng có nhiều kinh nghiệm chọn gỗ phù hợp nhất cho các sản phẩm của mình. Để không bị ngợp giữa vô số chủng loại gỗ tự nhiên với rất nhiều các mức giá khác nhau, bài viết dưới đây xin chia sẻ một số kinh nghiệm chọn gỗ làm nhà, gỗ làm đồ nội thất… cho quý khách:
1. Chọn gỗ phù hợp với công năng sử dụng
– Đối với các chi tiết chịu lực (như cột nhà, xà nhà, cửa, cầu thang, …): nên chọn gỗ cứng, chắc, bền, không bị mối mọt theo thời gian. Các loại gỗ này dễ nhận diện qua các đặc điểm như: gỗ nặng (trọng lượng riêng > 850 kg/m3), ghim gỗ dày, bề mặt gỗ mịn, rất bền với côn trùng. Một số loại gỗ thường được sử dụng là: gỗ lim, gỗ căm xe, gỗ gõ, gỗ hương, gỗ mít hoặc với chi phí thấp hơn là gỗ kiền kiền, gỗ xoan,…

– Đối với các vật dụng nội thất, các chi tiết trang trí (như giường, tủ, kệ, bàn ghế, tủ bếp, ốp trần…): do không yêu cầu quá cao về độ chịu lực, nên thường không cần chọn gỗ quá cứng, cân nặng vừa phải để dễ dàng lắp đặt, di chuyển, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo bền với côn trùng để không bị sâu mọt tác động. Trọng lượng riêng của các loại gỗ này nằm trong khoảng 650 – 900 kg/m3, mặt gỗ mịn, khả năng chịu lực ở mức tốt, gỗ có vân đẹp để đảm bảo tính thẩm mỹ, màu tự nhiên của gỗ phù hợp với phối màu thiết kế tổng thể (lưu ý một số loại gỗ có thể tối màu dần theo thời gian như: gỗ gụ, gỗ căm xe…). Ngoài ra, một số loại gỗ còn có hương thơm, rất thích hợp để làm đồ nội thất, đặc biệt là đồ thờ tự, như: gỗ hương, gỗ pơ mu, gỗ mít…. Nhìn chung, có nhiều loại gỗ tự nhiên phù hợp với công năng nội thất, trong đó phổ biến là: gỗ sồi, gỗ me, gỗ xoan đào, gỗ dổi, gỗ bằng lăng, gỗ thông… hoặc cao cấp hơn là gỗ mun, gỗ cẩm, gỗ gõ, gỗ pơ mu, gỗ gụ, gỗ hương…

2. Chọn gỗ có chất lượng tốt
– Gỗ tự nhiên được chọn làm vật liệu phải đảm bảo không bị cong vênh, không nứt toác, không bị mối mọt ăn hại, không bám giác (tức không lẫn phần bìa gỗ). Quý khách nên kiểm tra gỗ thô trước khi sơn, đặc biệt là đối với các sản phẩm cần độ bền cao, thời gian sử dụng dài, như: nhà gỗ, cửa gỗ… để đảm bảo gỗ nguyên liệu được sử dụng không bị lỗi.

– Đối với các sản phẩm đã sơn: cần kiểm tra màu sơn bên ngoài, đảm bảo màu sơn phải đồng đều, không đậm nhạt khác nhau, không bị chảy sơn. Các vị trí có màu sơn đậm hơn/nhạt hơn đa phần là do gỗ bị hư thối hoặc bám giác, hoặc có thể do gỗ chưa đạt độ khô tiêu chuẩn trước khi sơn, dẫn đến sau khi sơn hơi nước còn lại bên trong không thoát ra được, theo thời gian sẽ làm hỏng lớp sơn, cũng như ảnh hưởng chất lượng gỗ. Bên cạnh đó, công nghệ sơn giả vân gỗ hiện nay cũng rất tinh vi, có nhiều loại gỗ giá trị thấp nhưng qua xử lý màu sắc, tạo vân… liền được “hô biến” thành các loại gỗ quý như gỗ mun, gỗ cẩm, gỗ lát…. Quý khách có thể tham khảo cách kiểm tra bằng mắt thường để phân biệt vân gỗ thật-giả như sau: đánh giá độ tự nhiên của vân gỗ, độ đồng nhất về hình dạng vân gỗ giữa mặt trên đã xử lý sơn màu và các mặt bên trong/bên dưới không được sơn màu, kiểm tra độ sáng mịn của thớ gỗ, độ chắc nặng của sản phẩm… Thông thường, gỗ càng cao cấp thì càng chắc nặng, vân đẹp, bề mặt láng mịn và ngược lại.

3. Lựa chọn đơn vị cấp gỗ uy tín
Ngay cả khi đã “giắt túi” nhiều kinh nghiệm về chọn gỗ tự nhiên như trên đã nêu, song không phải lúc nào khách hàng cũng nhận được sản phẩm đồ gỗ ưng ý. “Cái tâm” của người bán hàng, “cái tài” của người thợ làm ra sản phẩm… mới là những yếu tố quan trọng nhất quyết định tới chất lượng sản phẩm. Một đơn vị sản xuất uy tín với đội ngũ thợ lành nghề, nhà xưởng hiện đại, kết hợp với kho gỗ nguyên liệu sẵn có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho quý khách để có được những sản phẩm đẹp – bền – tốt với chi phí hợp lý nhất.
Trên đây là một số “bí kíp” trong việc chọn gỗ làm nhà, gỗ làm đồ nội thất. Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp quý khách chọn lựa được những tấm gỗ ưng ý nhất khi xây dựng, trang hoàng cho ngôi nhà thân yêu của mình!